NHỮNG NĂM THƠ ẤU
Một buổi sáng bình minh của tiết xuân, ánh nắng mờ nhạt đang len mình qua lớp sương dầy đặc, dưới mái nhà bậc hạ lưu của xóm Riva di Chieri thuộc Nam nước Ý, Saviô cất tiếng khóc chào đời đúng ngày 2/4/1842. Và cũng chiều hôm đó, Saviô được chấp nhận vào hàng con cái Chúa.
Cậu là con thứ trong gia đình 10 con, nhưng cậu đã thành trưởng nam vì anh mất sớm.
Cha la Carôlô Saviô, bác phó rèn đơn bạch trong làng và mẹ là một thợ thêu. Vì nghề nghiệp nên mới lên hai cậu đã phãi rời chốn chôn nhau cắt rốn sang lập cư ở xóm Murialđô. Ở đây 9 năm, Saviô đã tạo nhiều kỷ niệm cho người hàng xóm.
Vừa bập bẹ nói, mẹ đã dạy cậu đọc kinh, cậu học rất nhanh và chóng thuộc. Saviô không bao giờ bỏ đọc kinh trước khi ăn cơm. Nếu cha cậu sơ ý quên, cậu ngoan ngoãn thưa cha: "thưa ba, chúng ta quên xin ơn Chúa trước bữa rồi!"
Ngay từ lúc lên 5,6 tuổi cậu đã biết cầu nguyện. Hạnh phúc cũa cậu, chẳng những được cầu nguyện với Chúa, nhưng còn phải được tới thánh đường nữa. Lúc đầu cậu đi với mẹ, sau đi một mình.
Năm chưa đủ 6 tuổi cậu đã biết giúp lễ. Vì còn nhỏ quá, cậu chỉ đủ sức bưng ve rượu và nước thôi, còn cuốn sách lễ lớn kia đối với cậu thật là quá nặng. Rồi bàn thờ lại cao, cậu không với tới, nên đã đóng thêm đinh vào đế giầy. Ơn quý nhất của cha sở dành cho cậu là người để cuốn sách ra sát cạnh bàn thờ để cậu lấy dễ dàng. Cha sỡ chiều cậu, nên ngài làm như thế luôn.
Một buổi sáng mùa đông, người coi cửa ra mở cửa nhà thờ, đã phải bỡ ngỡ khi thấy cậu bé giúp lễ tí hon đang quỳ ngoài cửa cầu nguyện. Mặc cho gió rít, mặc cho tuyết rơi, Saviô vẫn chăm chú nguyện cầu.
Với cha mẹ, Saviô rất tôn kính và yêu mến. Mẹ cậu thường nói: "không bao giờ, không bao giờ nó làm phiền lòng tôi". Khi cha cậu đi làm mệt về, cậu chạy tới, nhảy lên, âu yếm ôm chầm lấy cổ, tay khẻ cầm tay cha, miệng kề sát tai, ngoan ngoãn thưa với cha: "Ba của con ơi, ba mệt lắm nhỉ! Ba quá vất vả vì con, còn con chỉ biết chơi hoài! Ba ạ, con sẽ nguyện cầu Chúa ban cho ba sức khỏe và sự khôn ngoan." Cha cậu nghe lời đó, lòng tràn ngập sung sướng và mệt nhọc tan biến.
Sau khi chịu lễ lần đầu, Saviô tiếp tục đi học, dưới sự chăm sóc của cha sở Murialdô. Nhưng tới năm 10 tuổi, cậu phải nghĩ đến việc đi học trường làng. Khốn thay, con đường đến trường quá dài, hơn 4 cây số. Lư trú học sinh ư, không thể được, vì cha cậu không kiếm đủ tiền để nuôi đàn con đông đúc, Saviô đã thở dài: "Ôi nếu tôi là con chim nhỏ, tôi sẽ bay tới trường mỗi sáng và mỗi chiều. Như thế, tôi có thể tiếp tục học". Nhưng cậu vẫ không có cánh, thay vào đó cậu đã có một lòng can đãm và đôi chân cứng rắn. Mỗi ngày 4 lần đi trên con đường dài tít tắp, tổng cộng mỗi ngày phải đi 16 cây số. Khi hè cũng như tuyết đông, mưa phùn cũng nhu mưa sớm, cậu vẫn đĩnh đạc như một người lớn đi đến trường, lòng ôm một nguồn hạnh phúc là được tiếp tục học.
Một buổi trưa mùa hạ, khi trời oi ả, cậu học trò dũng cảm đang bước tới trường. Giữa đường, cậu bắt gặp một người lạ mặt đi về một hướng với cậu. Người lạ tiến gần cậu và hỏi chuyện:
- Cậu nhỏ này, đi đường dài một mình không sợ sao?
Saviô ngoan ngoãn trả lời: "Thưa ông tôi không đi một mình."
Người lạ bở ngỡ hõi: "Trời, thế ai đi với cậu?"
- Thiên thần bản mệnh của tôi. Người đi với tôi luôn.
Người lạ ngạc nhiên vì câu trả lời bất ngờ đó rồi tiếp:
- Này cậu, mỗi ngày đi 4 lần trên đường này chắc mệt lắm nhỉ?
Saviô can đảm trả lời: "Thưa ông, không có chi là mệt nhọc nếu khi người làm việc được ông chủ trả công hậu."
- À, thế cậu làm việc cho ai đó?
- Thưa ông do chính Thiên Chúa. Chúa đã phán, Chúa sẽ thưởng công cho những ai cho người khát một ly nước lã vì danh Ngài.
Nghe những lời đó, người lạ nhận ra ngay là mình đang đi với một cậu học trò khác hẳn với các cậu khác. Và ông thầm nghĩ: "Thằng nhỏ này mà đã lý luận như thế, chắc một ngày kia người ta sẽ phải bàn tới nó".
Nếu Saviô cố gắng sống ngoan ngoãn với hết mọi người, thì Saviô không quên được những bạn thân thiết của cậu. Saviô có hai bạn chí thân và cả hai đã về trời trước cậu.
Bạn thứ nhất là Camilô Gaviô, ở nhà cha Don Boscô có hai tháng. Gaviô đã để lại nơi đây nhiều kỷ niệm thánh thiện đáng qúy. Ông chủ tịch làng của cậu Gaviô đã đặc biệt chú ý tới Gaviô về tài hội họa và điêu khắc, ông quyết định để hội đồng xã gửi cậu theo học ở Hàn lâm viện Turinô. Nhưng đáng tiếc, sức khoẻ của cậu đã đứng bên ngưỡng cửa đời sau. Khi tới nhà cha Don Bosco, Gaviô chỉ biết đứng thơ thẩn ở góc sân, nhìn anh em chơi, nét mặt rầu rầu vì không quen một ai hết. Saviô, một học trò chuyên đi làm quen các trò mới, nên đã chú ý tới cậu. Saviô hỏi:
- Chào anh, anh không quen ai sao?
- Không, tôi đang đứng nhìn họ chơi thôi.
- Tên anh là gì?
- Camillô Gaviô.
- À, năm nay anh bao nhiêu tuổi rồi?
- 15 tuổi.
- Sao anh buồn thế? Bệnh à?
- Bây giờ không, nhưng khi ở nhà tôi lâm bệnh hoài....
- Anh bệnh làm sao?
- Bệnh đau tim.
- Anh để tôi chữa nhá, chắc là khỏi.
- Ồ, tôi không muốn khỏi. Tôi muốn chịu thế để theo ý Chúa.
Qua những lời đó, Saviô biết ngay rằng trước mặt mình la anh bạn rất đạo đức. Lòng anh tràn ngập sung sướng và hỏi thêm:
- Đẹp lòng Chúa à, thế anh muốn trở thành vị Thánh sao? Anh muốn làm Thánh à!
- Đúng thế....
- Hoan hô, tới với chúng tôi! Ở đây chúng ta có nhiều việc để nên Thánh.
- Việc gì đấy anh!...Gaviô hỏi dồn.
- Anh ạ, trước hết ta phải vui vẻ. Chính cha Don Boscô dặn ta thế đấy. Rồi phải lánh tội, vì nó là kẻ thù của ta. Và nhất là, từ nay trở đi, anh hãy học luôn: "Thờ phượng Chúa trong vui tươi". Thôi ta đi chơi đi.
Rồi từ đó Gaviô và Saviô trở nên đôi bạn thân. Hai cậu luôn khuyên như nhau, giúp đỡ nhau trở nên hoàn hảo. Nhưng, bệnh của Gaviô mỗi ngày một thêm trầm trọng và sau nhiều ngày liệt giường, Gaviô chịu các phép bí tích sau cùng rồi vĩnh viễn biệt cõi trần ngày 30/12/1855.
Được tin, Saviô chạy lại gần giường bạn, đôi mắt ứa lệ, nhìn bạn lần cuối cùng, miệng ngập ngừng: "Gaviô thân yêu ơi, từ biệt bạn nhé. Tôi chắc anh sẽ bay thẳng về trời. Anh nhớ dọn chỗ cho tôi ở bên cạnh anh nhá. Còn tôi ở lại, vẫn là bạn của anh. Còn sống ngày nào, tôi vẫn nhớ cầu nguyện cho anh ngày ấy".
Người bạn thứ hai của Saviô là Gioan Massaglia. Cậu ở ngay làng bên cạnh, đã tới trú ở Tôrinô hơn hai năm. Khác hẳn với Gaviô, Massaglia có một sức khỏe dẻo dai. Hơn Saviô bốn tuổi, thân hình cao vượt hẳn Saviô. Dầu sao, hai cậu vẫn là bạn chí thân của nhau, quyết định giúp nhau nên thánh. Cả hai cùng ôm một hy vọng là sau sẽ được lên bàn thờ tế lễ...Nhưng Massaglia, sau khi mãn khóa vừa được lĩnh áo dài thâm, liền bị một cơn bệnh cảm lạnh xâm nhập, bắt buộc phải trở về nhà. Savio buồn rầu và luôn cầu nguyện cho bạn nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Bỗng nhiên một hôm, nhận được thư của Massaglia, thư viết:
"Anh bạn thân yêu,
Tôi tưởng về nhà vài hôm rồi có thể đến Torinô ngay được; nhưng không may, thất vọng hoàn toàn, thầy thuốc cấm tôi trở lại ngay...Họ lừa chúng ta chăng! Chắc anh hiểu rỏ là tôi phải buồn lòng khi xa anh. Ở Tôrinô, tôi dễ cầu nguyện hơn ở đây. Nhưng tôi chắc, thể xác xa nhau, nhưng lòng vẫn sát lòng. Saviô ạ, anh lại bàn tôi, tìm cho tôi cuốn "Gương Chúa Giêsu". Gửi cho tôi ngay nhé. Tôi mệt lắm không làm gì được. Cầu nguyện cho tôi luôn, nhất là sau khi chịu lễ. Nếu chúng ta không sống với nhau lâu ở dưới đất này, hy vọng môt ngày ta sẽ hợp mặt trên trời".
Bạn của anh,
Gioan Massaglia
Saviô trả lời thư như sau:
"Anh yêu dấu của em,
Nhận được thư anh, em vui mừng lắm, vì từ khi anh đi, em không được tin gì về anh. Em thầm hỏi: không biết phải đọc kinh "Sáng danh" hay kinh "Vực Sâu" cầu cho anh!
Em phàn nàn vì không thể cầu nguyện cho anh như khi anh ở đây...Khi em ở Mondoniô, cũng rơi vào tình trạng như thế...Em cố gắng viếng Thánh Thể mỗi ngày một lần, và rủ cả anh em bạn đi nữa. Anh của em, anh hết hùng dũng rồi sao! Em hy vọng gần anh lúc đời tàn...à!
Nguyện xin Chúa cho hai ta được chết lành thánh: Bạn thứ nhất lên sửa soạn chỗ cho bạn thứ hai. Và bạn thứ hai lên trời, bạn thứ nhất sẽ ra bắt tay dẫn vào đấy!
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn trong trắng. Xin Chúa giúp chúng ta trở nên và chóng trở nên những vị thánh. Anh em bạn đang đợi anh và gởi lời thăm anh".
Bạn trung tín của anh,
Dominicô Saviô.
Sau 10 tháng ngắn ngủi ở với Saviô, mùa hoa 1856, Gioan Massaglia từ biệt cõi trần, về trời dọn chỗ cho Saviô. Chắc tim Saviô se lại vì cuộc ly biệt, nhưng Saviô vẫn tràn đầy một niềm tin tưỡng. Cha Don Boscô đã làm chứng điều đó: "Đây là lần đầu tiên, tôi thấy cậu học trò nhỏ của tôi buồn rầu, đôi mắt ứa lệ, và đã thốt lên tiếng "Anh Massaglia, anh chết à! Em hy vọng anh về trời với Gaviô. Còn em bao giờ trở về!" Đó cũng là tiếng than thở ở nhà nguyện trong những giờ Saviô cầu nguyện cho anh bạn.
Cha Don Boscô còn thêm: "Cái chết này làm đau lòng Saviô nhất đời".
Với những anh em không được tốt, hay rủ cậu làm điều xằng bậy, Saviô đã liệu cách chinh phục, nếu không thành công, cậu lìa xa không lui tới với chúng nữa. Câu chuyện sau đây là một trong những mẩu chuyện xảy ra giữa cậu và các bạn đó. Một hôm, trời nóng nực, cậu nhận lời đi tắm với các bạn ở dòng sông bên cạnh. Hôm đó, cậu đã hổ thẹn vì những điều đã nghe và xem thấy, cậu đã thề quyết không đi như thế bao giờ nữa. Hai thằng bạn thấy cậu trở về, thử đến dụ dỗ lần thứ hai.
- Này, Saviô, tắm chứ?
- Cám ơn, không đâu. Tôi không biết bơi.
- Hề chi, chúng tớ ở bên luôn...tắm cho mát chứ.
- Tôi sợ...tôi không biết bơi.
- Thì tập. Đi đi, chúng tớ dạy bơi mà.
Ngần ngừ lúc lâu, cậu bé thánh thiện trình bày lý do chính đáng ra.
- Đi tắm như các cậu là có lỗi đó, các cậu làm xằng đấy.
- Chà cậu tưởng thế hở? Thế ra, thế gian này đều tội hết sao?
- Không, ai làm như thế mới tội.
- Thôi cậu không tắm, thì coi chúng tớ tắm nhé.
- Được, tôi về hỏi mẹ xem đã. Nếu mẹ bằng lòng, tôi sẽ đi. Nếu không, tôi xin kiếu các anh.
- Hỏng, coi chừng, đừng hỏi mẹ cậu. Bà ấy cấm đấy. Và rồi bà ấy đi nói với bố mẹ chúng tớ thì chúng tớ tha hồ ăn đòn.
- À, Saviô thích chí kêu to, thế các anh có lỗi rồi. Tôi thật không đi nữa. Điều đó làm phật lòng cha mẹ, các anh đừng làm thế nữa. Chúa phạt những kẻ không vâng lời đấy. Không cần nói thêm, Saviô vui vẻ trở về nhà.
Giữa thành phố lớn và văn minh, cha Don Boscô-cha sở Torinô, đã mở một học đường dành riêng cho trẻ nghèo. Nơi đây, đã có nhiều trẻ trở thành linh mục. Saviô cũng ước thế, mong đượ dâng mình cho Chúa. Cậu đã tin tưởng, và ký thác cuộc đời trong tay vị linh mục giáo sư của cậu. Trong cuộc hành trình về Tôrinô, linh mục này đã nói chuyện với cha Don Boscô: "Con xin giới thiệu với cha Louis đệ Gongiaga tức là Dominicô Saviô. Con rất hài lòng về cậu này". Cha Don Boscô trả lời: "Cha gửi nó lại đây, trong kỳ hè này tôi sẽ xem...."
Hè đó là năm 1854, Saviô đúng 12 tuổi. Thứ hai đầu tháng 10, đang khi cha Don Boscô tới Becchi, quê của cha, liền gặp cậu bé lẻo đẽo bên cha nó, vẻ mặt đơn sơ và tươi tỉnh. Cha Don Boscô hỏi:
- Tên con là gì?
- Thưa cha, con là Dominicô Saviô, ở Mondoniô, giáo sư của con đã thưa chuyện với cha ở Tôrinô.
- Có, cha đã biết.
Cha Don Boscô còn hỏi cậu về việc học, gia đình, và những dự định của cậu, cậu đã trả lời hết mọi câu. Kết chuyện, Saviô khẩn khoản xin:
- Thưa cha, cha cho con về Tôrinô với.
- Được lắm, cha sẵn sàng cho về...Con như tấm vải ở trong tay cha mà!
- Thưa cha, cha dùng vải này làm gì?
- Cha dùng vải này để may một chiếc áo tuyệt đẹp dâng lên tòa Chúa.
- Vậy, thưa cha, cha là thợ may sao!-Saviô vui vẻ lặp lại--Còn con là tấm vải! Cha dùng con! Và, thưa cha, nếu cha muốn, con sẽ là linh mục của Chúa.
- Đúng, nhưng trước tiên, cha phải xem con có thể học được không đã. Con hãy cầm lấy cuốn sách đây, học thuôc lòng trang này. Sáng mai, con tới đọc cha nghe thử nhá.
Cậu bé nhận lấy cuốn sách và đi về một góc. Sau 8 phút, cậu tới gần cha Don Boscô, đang nói chuyện với cha cậu và thưa một cách đơn sơ:
- Thưa cha, nếu cha cho phép, con xin đọc bài.
Và cậu bắt đầu đọc, không vấp một chữ, hơn nữa, cậu còn cắt nghĩa những ý nghĩa sâu xa của các câu khó hiểu. Cha Don Boscô vui vẻ nói:
- Con đọc bài sớm, còn cha, cha cũng trả lời sớm cho con. Cha sẽ đem con về Tôrinô. Từ giờ này, con là con của cha, nghe chưa Saviô?
Không nén nổi niềm vui, Saviô cầm tay cha Don Boscô--theo tục của xứ cậu--hôn đi hôn lại và nói:
- Thưa cha, con sẽ ngoan ngoãn. Con xin hứa với cha: không bao giờ con dám làm phiền lòng cha.
Thực vậy, trong suốt 3 năm trời, cha Don Boscô không phải mất một lời nào quở phạt Saviô và còn lấy Saviô làm gương cho các bạn của cậu.
Thu xếp xong, Saviô trẩy đi Tôrinô. Tới khu phố Valdoccô, nơi cha Don Boscô trú ngụ, Saviô lên thẳn nhà cha. Cậu đã gặp cha ở bàn giấy. Giữa lúc cha con trò chuyện, bổng nhiên đôi mắt Saviô ngừng chập, nhìn thẳng lên tấm bia lớn có ghi câu Thánh Kinh "Đamihi animas, Coetera tolle". Lúc đó, Saviô mới biết đọc tiếng Latin thôi, chưa thể hiểu được ý nghĩa, cậu thành thực hỏi cha:
- Thưa cha, câu đó nghĩa là gì?
- Câu đó, nghĩa là: "Lạy Chúa, Chúa cho con nhiều linh hồn, còn mọi sự phó thác tất cả nơi Chúa".
- Thưa cha con hiểu. Như thế, không phải là người buôn bán vàng bạc, nhưng là người buôn bán linh hồn, phải thế không cha? Trời ơi, cha đi tìm cho con chứ.
Và từ đó, Saviô đã làm mọi việc để tu luyện tâm hồn thêm thánh thiện. Dưới ánh sáng mặt trời công chính, Saviô đã trở thành bông huệ nức hương trong vườn của cha Don Boscô.
Trong những năm sống bên cha Don Boscô, Saviô đã phó thác nơi cha mọi sự và cha cũng hiểu hết mọi tình trạng tinh thần và thể xác của Saviô. Saviô còn có lòng yêu thích sống gần cha Don Boscô trong giờ chết, cũng như sau khi đã về trời. Trong ngày liệt giường, Saviô mắt đăm chiêu nhìn cha và khẻ thưa: "Lạy cha, từ Thiên cung, con có thể trở lại trần gian được không?" Cha đã âu yếm trả lời: "Ồ, được lắm chứ, nếu Chúa cho phép".
Về sau, hình như Saviô đã xin được phép đó ít nhất là hai lần. Cuộc viếng thăm đầu tiên, rất nhanh chóng và không đáng kể, đã xảy ra ngay tại Mônđôniô khoảng một tháng sau khi thánh trẻ qua đời. Lần thứ hai, Saviô về thăm cha Don Boscô tại trường trung học Lanzô gần tỉnh Tôrinô. Lần này câu chuyện của hai thầy trò kéo dài hàng giờ....
Chính cha Don Boscô thuật lại đầu đuôi câu chuyện đã xảy ra trong năm 1876: "Đêm mồng 6 tháng 12, tôi vừa thiu thiu ngủ, bỗng thấy mình như đang ở trên một đỉnh đồi cao sát cạnh một bình nguyên bát ngát, xanh rờn như mặt biển lặng. Phía trước, tôi thấy một khu vườn tráng lệ, đầy hoa thơm cỏ lạ. Cành cây óng ánh như kim cương, lá cây rực rỡ như vàng thiếp. Giữa những đám cây cổ thụ um tùm, nhô lên những dinh thự nguy nga, những lâu đài lộng lẫy. Và đang khi say mê ngắm những ngôi nhà đó, tôi lẩm bẩm: "Chà, giá như tôi được một ngôi nhà như thế cho các con cái tôi thì sung sướng biết bao!"
Hồn còn đang ngây ngất trước những cảnh đẹp đó, thì bỗng đâu vang lên khúc nhạc mê ly do muôn ngàn phím tơ hòa nhịp. Tiếp theo là một bài ca vịnh được trình diễn bởi một ca hội đông vô kể với giọng hát du dương, thánh thoát chưa từng nghe thấy nơi dương gian. Đang lúc hồn còn lắng theo tiếng nhạc mê ly, thì kìa một đoàn thiếu niên từ đâu tiến đến gần tôi. Trong đó tôi nhận ra phần đông là học sinh quen biết của tôi, nhưng cũng có những trẻ tôi chưa thấy bao giờ. Thiếu niên dẫn đầu đám rước kỳ lạ ấy chính là Đôminicô Saviô. Khi đám rước chỉ cách tôi chừng mười bước thì tiếng nhạc bỗng ngừng bặt và một mình Saviô tách ra khỏi đoàn tiến sát lại gần tôi. Saviô mặc chiếc aó trắng dài, dát đầy những hạt kim cương óng ánh. Chung quanh lưng thắt một chiếc đai đỏ nạm ngọc. Từ cổ rủ xuống một tràng hoa rực rỡ sáng cả gương mặt xinh tươi. Trên đầu sáng chói một vòng hoa tươi thắm và làn tóc mây chấm phủ đến sát cổ. Những thiếu niên theo sau cũng trang phục tương tự như thế.
Đang khi tôi kinh ngạc nhìn trừng trừng, chẳng nói lên được nữa lời, thì bỗng Saviô phá lên cười làm tan bầu không khí trấm lặng: "Trời ơi, cha không còn là cha Don Boscô nữa. Don Boscô trước vốn không sợ chi hết cơ mà! Sao cha có vẻ kinh hãi và chẳng nói chẳng rằng gì vậy?"
- Cha biết nói gì--tôi lẩm bẩm--con là Saviô phải không?
- Vâng con đây! Thế cha chưa nhận ra con sao?
- À...nhưng không biết cha đang ở đâu vậy nhỉ?
- Cha đang ở nơi quê hương đầy hạnh phúc.
- Vậy ra đây là nơi Chúa thưởng công các kẻ lành?
- Không, thưa cha không, đó chỉ là một hình ảnh của Thiên Đàng thực sự đấy thôi!
- Cha cứ tưởng đây chính là Thiên Đàng.
- Thiên Đàng đẹp lắm, đẹp đến nỗi không ai trên trần gian trông thấy mà không chết ngất đi.
- Còn hạnh phúc của con trên Thiên Đàng thế nào?
- Tả làm sao được, thưa cha! Phải lên đấy mới hiểu được...chúng ta sống với Chúa nhân từ...Chỉ nói được có thế thôi!
Khi đã hoàn hồn lại một chút, tôi mới hỏi Saviô:
- Tại sao con lại mặc chiếc áo trắng dài như thế?
Saviô không trả lời, nhưng các bạn hữu đứng đằng sau đồng thanh hát vang: "Họ đã giặt chiếc áo dài của họ trong máu Con Chiên". Và tôi hiểu ngay rằng đó là hình ảnh sự trong sạch Saviô. Tôi lại hỏi tiếp: "Tại sao con thắt lưng bằng chiếc đai màu đỏ?" Saviô vẫn im lặng và cả hội lại vang lên: "Họ trinh khiết và Con Chiên đi đâu, họ theo đi đấy". Và tôi hiểu rằng câu đó nhắc lại biết bao những hy sinh mà thánh trẻ của tôi đã trải qua để gìn giữ đức trinh sạch. Tôi lại hỏi tiếp: "Và tất cả những thiếu niên đi sau con là ai?" Vẫn một điệu hát như trên, các thiếu niên trả lời: "Họ sống như những Thiên Thần của Chúa trên trời". Sau cùng tôi hỏi: "Nhưng tại sao con lại dẫn đầu các chúng? Hình như con không phải là người nhiều tuổi nhất mà!" Lần này Saviô lên tiếng: "Không, con nhiều tuổi nhất mà!" Chắc chắn qua câu đó Saviô muốn nói rằng, mình trội vượt anh em chúng bạn trên đường thánh thiện. Và Saviô trả lời tiếp: "Và đây, con là sứ thần Thiên Chúa sai đến cùng cha".
Sau khi đã truyện trò khá lâu, Saviô mới trao cho tôi một bó hoa kỳ lạ và nói: "Cha hãy xem kỹ những bông hoa này! Chúng tượng trưng những nhân đức được Chuá ưa thích hơn cả. Cha hãy trao cho các con nhỏ của cha những bông hoa đó, những bông hoa sẽ đem lại hạnh phúc sau này".
Nhìn ngắm một hồi lâu, tôi thấy trong bó hoa nhiệm mầu đó có những loại hoa hồng, hoa tím, hoa layơn, vài bông lúa, mấy bông huệ và dăm ba nhánh trường sinh. Tôi bảo Saviô cắt nghĩa từng hoa, Saviô cắt nghĩa minh bạch cho tôi. Tiếp đến Saviô báo cho tôi biết trong năm tới sẽ có 6 học sinh trong trường qua đời và sinh mệnh của Đức Thánh Cha đương thời cũng sắp kết liễu. Sau cùng Saviô trối cho tôi ba tờ giấy, trong đó có ghi tên tất cả những học sinh đang sống trong trường và cho biết tình trạng tâm hồn của mỗi trẻ.
Sau cùng, một làn sương mù lan toả chung quanh tôi và thị kiến lạ lùng của tôi biến mất. Đồng thời một tiếng sét nổ vang khiến tôi bàng hoàng tỉnh giấc và nhận thấy mình đang nằm trên giường...
Ngày hôm sau, tôi cho gọi mấy học sinh có ghi tên trong những tờ giấy để xem thử ra sao. Tôi nhận thấy rằng giấc mơ của tôi hoàn toàn đúng với sự thật".
Với Chúa Giêsu Thánh Thể, Saviô đã nồng nhiệt yêu mến. Và chính Chúa Giêsu Thánh Thể đã ban cho Saviô được nhiều đặc ân.
Thực thế, khi Saviô mới 7 tuổi, cậu đã ước ao chịu lễ lần đầu: Trời ơi khó qúa, đúng ra phải là 12 tuổi...Làm thế nào được? Cha sở muốn ban ơn đó cho cậu, nhưng còn dư luận của các cha tiếp cận nữa. Ngài thử bàn với các vị đó, và tất cả đều đồng ý. Thật biết ơn, mọi người đều đồng ý với luật trừ đó.
Tới giáp ngày hạnh phúc đó, cậu tới gần lòng mẹ, nét mặt băn khoăn nghĩ ngợi, đôi mắt trong sáng nhìn vào mặt mẹ, đôi môi sẽ sàng bật: "Mẹ ơi, ngày mai con sẽ rước lễ lần đầu. Mẹ tha thứ các lỗi lầm cho con. Con hứa với mẹ, từ này con sẽ ngoan hơn, đến trường học chăm hơn, về nhà con vâng lời chịu khó". Bà mẹ mủi lòng, đôi mắt rướm lệ, rồi ngập ngừng trả lời: "Con nhỏ của mẹ ơi, con hãy yên lòng, mẹ tha cho con tất cả. Con hãy cầu nguyện Chúa cho cha và mẹ nhá". Yên lòng, cậu bé đọc kinh rồi đi ngủ. Nhưng vì hạnh phúc tràn đầy, cậu trằn trọc mãi không ngủ được, chỉ mong chóng tới giờ hạnh phúc.
Vừa tảng sáng, cậu đã dậy trước hết. Hôm nay cậu được mặc bộ đồ mới, được đeo băng tay và cha mẹ, họ hàng đã đến Châtcau-neut, nơi cử hành lễ. Dù phải mất hàng giờ để đi trên con đường dài 4 cây số, cậu và gia đình chẳng những đến đầu tiên mà còn là những người đến lúc cửa thánh đường còn khép kín. Theo lệ thường, Saviô lại quỳ ngoài cửa để cầu nguyện.
Thánh lễ cử hành, chủ tế từ từ đặt Mình Thánh Chúa vào lòng mỗi trẻ. Tới Saviô, cậu bé mặc toàn bộ trắng, đôi mắt hé mở, tay chắp nghiêm trang, chờ đợi lãnh Mình Thánh lần đầu tiên. Chủ tế từ từ tiến lại và cậu tiếp rước Chúa Giêsu Thánh Thể. Trở lại chỗ cũ, nhưng bây giờ mắt Saviô ngước lên trời, miệng nở nụ cười tươi.
Rồi vừa về đến nhà, Saviô đi tìm ngay cuốn sổ vàng kỷ niệm, ghi chép lại niềm hạnh phúc của ngày hôm nay. Bàn tay Saviô run run, và cẩn thận đưa ngọn bút trên trang giấy trắng với những hàng sau: "Đôminicô Saviô đây là những quyết định." Năm 1849, trong dịp chịu lễ lần đầu lúc 7 tuổi.
Tôi xưng tội luôn và chịu lễ mọi ngày cha giải tội cho phép;
Tôi muốn thánh hóa mọi ngày lễ;
Bạn thân của tôi là Giêsu và Maria;
Thà chết còn hơn là phạm tội.
Những quyết định anh dũng này, Saviô đã tự mình viết, và đã giữ suốt đời. Và cũng chính vì giữ chu toàn nên đã trở nên một vị thánh.
Để đẹp lòng Chúa hơn, cậu định mỗi ngày trong tuần có một ý chỉ riêng biệt. Cậu lại ghi trong sổ tay:
"Ý chỉ chịu lễ:
Chúa nhật: kính Chúa Ba Ngôi
Thứ hai: Cầu cho các ân nhân thiêng liêng hiện còn sống.
Thứ ba: Kính thánh Đôminicô quan thầy và Thiên Thần bản mệnh.
Thứ tư: Cầu cho kẻ có tội trở lại
Thứ năm: Cầu cho các linh hồn nơi luyện hình.
Thứ sáu: Kính nhớ sự thương khó Chúa.
Thứ bảy: Kính dâng Mẹ đồng trinh.
Và ngày nào, cậu cũng cố gắng dâng tất cả việc lành về ý chỉ đó.
Tâm hồn cậu luôn kết hợp với Chúa, đến nỗi có lần như hồn đã lìa xác để kết hợp với Chúa: một hôm xảy ra sự kiện lạ là không thấy Saviô dùng điểm tâm, vào lớp và tới bữa cũng không thấy. Nhưng sáng sớm hôm sau cậu đã ra khỏi phòng ngủ, đi lên nhà nguyện dự lễ và chịu lễ. Sau lễ, học trò đi xuống cả. Còn một mình Saviô quý lặng lẽ sau bàn thờ --nơi ít người để ý tới, đôi bàn tay nhỏ xanh nhợt che lấy mặt.
Tới khi anh em vào lớp học, giáo sư hỏi tới cậu, thì tất cả đều bỡ ngỡ vì không thấy bóng Saviô ở lớp. Trưa, vào nhà cơm, anh em nhớn nhác nhìn cũng chẳng thấy Saviô. Riêng một mình cha Don Boscô đoán được hiện trạng đó và nói: "Không thấy ở sân chơi, lớp học, chắc là còn ở nhà nguyện". Rồi chính cha đi lên nhà nguyện. Thoạt nhìn không thấy ai cả....Đi lại phía sau ca hội, cha thấy Saviô đang đứng yên lặng, tay phải tì lên yên sách, đôi mắt đăm đăm nhìn về phía nhà tạm. Động lòng, cha Don Boscô gọi: nhưng không một tiếng trả lời. Cha tiến lại, động vào vai....Cậu học trò nhỏ lìa cỏi trời và nhìn thẳng vào mặt cha của mình, với vẻ mặt bỡ ngỡ:
- Sao ạ, lễ hết rồi hả cha?
- Hết rồi, cha Don Boscô vừa trả lời vừa chỉ, con trông kìa...hai giờ trưa rồi...Đi ăn mau...Và nếu anh em con có hỏi con ở đâu, con trả lời rằng đi làm việc theo ý cha dạy.
Một mình chưa đủ, Saviô còn muốn cho hết mọi người phải có lòng tôn kính và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Một buổi sớm kia, đang đi tới trường, giữa đường cậu gặp linh mục đang mang "Mình Thánh" cho kẻ liệt, cậu liền quỳ xuống cunh kính; nhưng trong lúc đó, trước mặt cậu, một quân nhân vẫn đứng yên như bình an vô sự. Làm thế nào cho họ quỳ được? Nói chăng? Lời nói của trẻ vô ích đối với họ. Nhưng nhờ sáng trí và nhờ Chúa chỉ dẫn, Saviô không nói một lời, nhã nhặn rút chiếc khăn tay trải xuống đất trước mặt quân nhân, làm như chiếc thảm nhỏ. Hiểu bài học, quân nhân mỉm cười quỳ xuống. Ông không quỳ lên chiếc khăn trái lại đã quỳ trên bờ cỏ còn đầy bụi sương mai.
SAVIÔ VỚI MẸ ĐỒNG TRINH
Nếu Saviô yêu mến Chúa Giêsu, thì với Đức Mẹ Đồng Trinh, cậu cũng yêu mến hết lòng. Cũng như mọi người, cậu biết rằng nếu Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa thì cũng là Mẹ nhân loại. Hàng ngày, Saviô đã đọc lời nguyện này để kính Đức Mẹ: "Lạy Mẹ Maria, con dâng Mẹ trái tim thơ, xin Mẹ nhận con thuộc về Mẹ luôn, Mẹ hãy cho con chết đi còn hơn rơi vào hố tội lỗi". Nhờ lời cầu nguyện này, khi cậu chết, cha Don Boscô đã qủa quyết, chắc cậu sẽ về trời, với tâm hồn thanh sạch từ khi chịu phép rửa tội.
Cậu luôn giữ gìn con mắt, nhất là mỗi khi ra ngoài thành, thay vì gián mắt vào các tủ kính cửa hàng hay rạp hát như các cậu khác, Saviô nhìn thẳng về đằng trước và hơi cúi xuống đất. Ai hỏi cậu tại sao thế, cậu trả lời:
- Tôi để dành con mắt ngắm Đức Nữ Đồng Trinh trên trời.
Mỗi khi vào nhà thờ, sau khi kính bái Chúa Giêsu Thánh Thể, cậu liền đến quỳ trước tượng Đức Mẹ, Tất cả ngày thứ sáu, Saviô đều dâng một giờ chơi để đi đọc kinh với bảy anh em bạn. Cậu không bao giờ quên dâng việc chịu lễ mỗi thứ bảy đầu tháng cho Đức Mẹ. Cậu đã dự định ăn bánh khô và nước lạnh trong các ngày thứ bảy; nhưng cha giải tội không cho phép.
Với anh em, cậu đã thúc giục để họ kính mến Đức Mẹ. Cậu thường kể truyện về Đức Mẹ cho anh em nghe, và mời anh em đi lần hạt với mình. Việc đó không phải là dễ. Một lần vào mùa đông, một anh không muốn đi, lấy lý do là lạnh tay. Vị tông đồ dũng cảm đã tìm cách đưa anh bạn đó đi. Saviô nhường đôi găng tay của cậu cho anh bạn, để anh hết lý do và đi với cậu. Lần khác, một anh không đi viện cớ là thiếu áo choàng, cậu lấy chiếc áo choàng của cậu khoác lên vai bạn.
Đức Mẹ đã tỏ ra yêu cậu và ban cho cậu những ơn cậu xin. Đây là một câu chuyện mà cô Maria Têrêsa em cậu đã kể lại ngày 12/9/1856 để chứng tỏ lòng yêu đó:
"Mẹ chúng con bệnh nặng. Cha con lại không đi tìm anh con ở Tôrinô, vì không muốn cho anh về. Cũng lúc đó, anh con đã tìm cha Don Boscô và nói:
- Nếu đẹp lòng cha, cha cho con nghỉ một bữa?
- Được, nhưng con nghỉ để làm gì?
- Thưa cha, con về nhà con ạ.
- Về làm gì?
- Thăm mẹ con bệnh. Đức Nữ Đồng Trinh muốn chữa khỏi bệnhc cho mẹ con.
- Ai đưa tin đó? Có ai viết thư cho con à?
- Thưa không, nhưng con biết.
Cha Don Boscô hiểu ý và không hỏi thêm nữa. Ngài đáp:
- Được, con yêu dấu, đi nhé. Đây cha cho tiền đi đường.
Và Saviô mau mắn trẩy đi. Giữa đường, anh con gặp cha con đang đi tìm bác sĩ. Cha con hỏi:
- Đi đâu đấy, Saviô?
- Thưa ba, con về thăm mẹ.
- Ai bảo con? Đi ngay sang nhà ông chơi nhá! Mẹ con không thể gặp con ngay bây giờ được.
Và không nói gì thêm nữa, cha con vội vã bước đi, Saviô lại được thần lực thúc đẩy cậu đi thẳng về nhà. Khi mẹ con vừa thấy bóng anh Saviô vội hỏi:
- Con yêu dấu của mẹ, con đấy à! Đi sang nhà anh em chơi. Mẹ sẽ gọi con sau, bây giờ mẹ đang mệt.
Anh con vờ như không nghe thấy gì, cứ tiến lại gần giường, ôm chầm lấy mẹ con, tay siết chặt tay mẹ và nói:
- Mẹ ơi, con đi ngay đây, con chỉ muốn ôm mẹ một chút thôi.
Và anh con ra khỏi buồng, từ giã nhà, và đi ngay về Tôrinô. Từ khi anh con ra đi, mẹ con cảm thấy dễ chịu. Sự đau đớn như hoàn toàn chạy thoát hết. Lát sau, cha con và bác sĩ tới. Bác sĩ khám cho mẹ con không thấy có dấu chi là bệnh cả. Cha con ngạc nhiên quá. Còn mẹ thì cắt nghĩa việc về thăm của anh con. Mẹ con nói: "Saviô đưa chiếc dây xanh buộc ảnh Đức Mẹ đặt vào cổ tôi". Và sau đó, cha Don Boscô đã cho gia đình chúng con hay: Mẹ con được khỏi là nhờ ảnh Đức Mẹ mà anh con đã đeo ở cổ".
Lúc Saviô vào nhập gia đình cha Don Boscô là mùa thu năm 1854. Khi đó đã có nhiều giáo hữu tin việc Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, nhưng vẫn chưa được Giáo Hội tuyên tín. Đến ngày 8/12 năm đó, Đức Giáo Hoàng Piô IX, họp các Hồng y và Giám mục toàn thế giới, để tuyên bố tín điều: Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Niềm hân hoan bao trùm thế giới, nhưng với Saviô nào ai biết được lòng vui mừng của cậu tiến đến độ nào? Trong lòng tràn ngập nỗi hân hoan, cậu chạy đến quỳ trước toà Đức Mẹ để dâng niềm vui và hứa lại lời hứa khi chịu lễ lần đầu.
Để ghi nhớ năm tuyên bố tín điều "Vô nhiễm nguyên tội", cậu đã bàn với một số anh em, xin phép lập một nhóm nhỏ gọi là "Đạo binh Mẹ vô nhiễm nguyên tội". Sau nhiều cuộc họp mặt và sau nhiều lần trình bày với cha Don Boscô, "Đạo binh Mẹ vô nhiễm nguyên tội" được thành lập với bản luật gồm 21 mục. Đúng ngày 8/6, Saviô cất cao giọng đọc bản luật nhỏ trước mặt các quân binh tiền phong, đang tề tựu dưới chân bàn thờ Thánh Nữ. Không để chậm một chút, Saviô đã tóm lại 3 điểm chính, dầu những điểm kia vẫn có nhiều ích lợi.
Toàn thể quân binh sẽ luôn ngoan ngoãn vâng lời Bề trên.
Luôn luôn làm gương sáng cho anh em bạn.
Cố gắng làm việc thiện với các bạn học xấu
Đó là tất cả chương trình hoạt động. Và để khỏi quên lãng, anh em sẽ họp mỗi tuần một lần. Mỗi người sẽ trình việc mình đã làm và nhận xét công việc của anh em đồng đội đã hoạt động. "Đạo binh Mẹ vô nhiễm nguyên tội" đã được cha Don Boscô tín nhiệm và luôn luôn giao công tác hoạt động tinh thần trong anh em. Cha Don Boscô đã xác nhận: "Từ khi 'Đạo binh vô nhiễm nguyên tội' hoạt động, trong trường đã bớt được nhiều anh em ương ngạnh, khô khan xưng tội rước lễ".
SAVIÔ BIỆT LY CÕI TRẦN
Nếu tâm hồn Saviô dũng cảm chừng nào, thì trái tim, thân xác càng yếu mệt và mảnh dẻ chừng ấy: Càng lớn lên, sức khoẻ càng giảm bớt. Cậu đã dần dần phải bỏ chơi với các anh em bạn, hay bị cảm và ho luôn, nhất là khi mùa đông tới. Cha Don Boscô đã để ý và gửi cậu tới bác sĩ. Một hôm, bác sĩ đã phải than phiền với cha là Saviô không thể sống lâu được nữa. Cậu sắp từ biệt cõi trần, để tung cánh bay về Thiên quốc, quê hương vĩnh cửu cậu hằng mong ước bay về. Theo lời bác sĩ, cậu phải nghỉ mọi việc và nằm dưỡng bệnh. Nhưng bệnh mỗi ngày thêm trầm trọng. Cha Don Boscô quyết định ngày 1/3 sẽ gửi cậu về nhà cha mẹ, hy vọng khí hậu thay đổi cậu có thể bình phục được.
Biết được ý định của cha Don Boscô, Saviô rất buồn phiền, vì cậu chỉ ước mong chết ở nơi đây, chết trong bàn tay của người cha hiền, chung quanh các bạn thân yêu và chết dưới mái trường đầy kỷ niệm. Nhưng rút cuộc, Saviô vẫn phải vâng lời cha Don Boscô từ giã cha, anh em trong "Đạo binh Mẹ vô nhiễm nguyên tội" và toàn thể anh em để trở về quê dưỡng bệnh. Khung cảnh của làng quê đã hiện ra trước mặt cậu, đầu tiên là một nghĩa trang, cậu đi qua đó mà không dè rằng sau đây 8 ngày sẽ có thêm một mộ mới và chính cậu sẽ nằm trong ngôi mộ đó.
Về tới nhà, trong bốn ngày đầu, cậu cảm thấy dễ chịu, Saviô đi tìm những đứa trẻ nhỏ để vui sống với chúng. Đám trẻ này, cậu đã dạy đọc kinh và tập làm dấu thánh giá cho chúng trong mỗi kỳ hè cậu nghỉ ở quê. Chúng còn nhớ những mẩu truyện vui cậu đã kể cho chúng nghe, còn nhớ những hạnh các thánh, gương các vị anh hùng truyền đạo cậu đã đem trình bày để thúc giục chúng.
Mỗi ngày lại tỉnh thêm, anh em hàng xóm tới thăm cậu luôn, cậu vui vẻ chuyện trò, đến nỗi không biết mệt. Sau vài hôm, cậu đã không ăn và không ngủ. Bác sĩ luôn luôn ở bên giường, khi chích thuốc, lúc nghe mạch, nhưng vô hiệu. Cậu đã xin cha cậu: "Thưa ba, cho con được gặp thầy thuốc linh hồn. Con muốn xưng tội và rước lễ". Để chìu lòng cậu, người ta đi tìm cha sở. Cha sở tới giải tội và cho cậu rước Mình Thánh Chúa. Sau khi cám ơn, Saviô tràn ngập hạnh phúc, mắt ngước lên trời, miệng khẽ than thở: "Bây giờ, lạy Chúa, bây giờ cho con được thanh bình! Con sắp sửa bước vào một cuộc hành trình, nhưng với Chúa là bạn đường con không sợ chi cả, chết con cũng coi thường".
Tron 4 ngày, bác sĩ phải thay 9 toa thuốc, nhưng cuối cùng vẫn phải bó tay. Lòng cha cậu rất phiền muộn, vì biết con yêu dấu chắc sẽ không sống với mình lâu nữa. Sau khi bác sĩ thăm lần cuối cùng, cậu xin phép xức dầu.
Ngày 3/8/1857, cha sở Mondoniô tới, nhưng thấy cậu vui vẻ lạ thường. Cha nghĩ cậu tỉnh, cha đọc kinh nào, cậu thưa kinh ấy. Và sau cùng trong khi ban phép lành Đức Thánh Cha cho cậu, cậu thốt lên: "Deo Gratias Tạ ơn, lạy Chúa, con tạ ơn Chúa", rồi nhìn ảnh chuộc tội, cậu quỳ xuống đọc kinh này: "Lạy Chúa, Chúa ban cho con được hạnh phúc, này thân xác và sức lực của con đây. Con dâng cho Chúa cả, vì tất cả của Chúa. Con xin hoàn toàn vâng theo ý Chúa!" Chiều tới, cha sở lại đến thăm Saviô, và cả hai cùng đọc kinh. Sau đó Saviô thưa với cha:
- Lạy cha, xin cha ban cho con một kỷ niệm!
- Kỷ niệm gì con?
- Cái gì có thể làm ích cho con!
- Suy niệm những sự thương khó Chúa.
- Ồ vâng, sự thương khó Chúa con luôn suy tưởng...Giêsu, Maria, Giuse xin hãy tới thăm con trong giờ hấp hối...".
Nhìn Saviô, đôi hàng lệ cha sở từ từ rơi, cha thầm nghĩ: trên chiếc giường nhỏ hèn này, không phải là con trẻ hấp hối, nhưng là một Thiên thần mà ánh sáng Thiên Đàng đã biến đổi nên. Sau khi cha sở đi, cậu thiu thiu ngủ. Được một lát, cậu lại mở đôi mắt, nhìn cha cậu và nói:
- Ba ơi, giờ đã đến
- Ba đây, con của ba muốn gì?
- Thưa ba, ba hãy cầm lấy sách kinh và đọc kinh cầu "Dọn mình chết lành....".
Nghe lời đó, bà mẹ Saviô thổn thức lấy đôi bàn tay che mặt và nức nở khóc. Còn cha cậu, tay run run cầm cuốn sách, miệng đọc ngập ngừng, vừa khóc vừa đọc kinh cầu: Dọn mình chết lành. Tới câu: "Khi con tới trước Nhan Thánh Chúa, xin Chúa hãy tiếp nhận con được hát ca chúc tụng Chúa muôn đời" Saviô kêu lên: "Ôi, ôi, đó là điều con ước mong: hát ca tụng Chúa muôn đời".
Rồi đôi mắt mở to, cậu than thở câu sau cùng: "Vĩnh biệt! Ba của con ơi, vĩnh biệt! Cha sở còn nói gì với con, nhưng con không nhớ nữa...Ôi, thật cảnh huy hoàng ocn đang được chiêm ngưỡng....". Và trong nụ cười vinh thắng, đôi bàn tay chắp lên ngực, Saviô hơi ngả đầu về một bên như thiu ngủ. Cha cậu tưởng cậu yên nghỉ...nên gấp sách thôi đọc kinh và tới nhìn cậu. Nhưng, ôi, cậu đã không nhìn lại được nữa...Thiên thần nhỏ, bông huệ thơm của ông đã bay về trời. Đồng hồ điểm đúng 10 giờ đêm. Màn đêm buông rũ khắp thôn Mônôniô...Nhưng tin cái chết này như tiếng sét nổ đánh tan bầu khí yên tĩnh. Lập tức, các người lân cận chạy tới chật nhà Saviô. Người hôn tay, kẻ động tới đồ vật của cậu. Họ quỳ xuống, không phải để cầu nguyện cho cậu, nhưng cầu nguyện với cậu, vì tất cả mọi người đều tin tưởng đây là một thánh trẻ vừa từ biệt cõi trần...
Hai ngày sau khi qua đời, xác Saviô được mang ra an táng tại nghĩa tran Mondoniô. Mồ của cậu có khác chi mồ của người nghèo khó, một lỗ sâu, vài thước đất và một cây thánh giá bằng gỗ. Nhưng khi chôn táng xong, đám táng đã vãn hồi, người ta còn thấy có người phục xuống nấm mồ của cậu mà hôn như hôn một bảo vật thánh...Cách mấy ngày, có những bệnh nhân cùng những tâm hồn sầu muộn đến khấn trên mộ Saviô, và khi trở về họ đã đạt được như ý nguyện!
Ít lâu sau, dân bản xứ và các vùng lân cận tuôn đến mỗi ngày một đông, nên người ta định đem quan tài của Saviô vào trong nhà nguyện của nghĩa địa. Nhà có được do xây cất để tôn kính hai vị tử đạo thời danh: Thánh Fâbinô và Sêbastiô. Đã từ lâu, nhà nguyện này không được dùng tới nữa nên bị rêu phong che phủ và vách tường nhiều chỗ rạn nứt. Người ta liền mở một cuộc quyên tiền giữa các học sinh trường thánh Phanxicô. Số tiền thu được khá nhiều, không những có thể sửa lại nhà mà còn xây thêm được một ngọn tháp với hai quả chuông xinh xắn.
Lễ khánh thành nhằm ngày 26/7/1907 nhân dịp kỷ niệm Saviô qua đời được 50 năm. Trên đài kỷ niệm đặt thi hài Thánh trẻ, người ta khắc mấy dòng Kinh Thánh sau đây: "Tôi đã làm việc trong ít ngày, nhưng sự khó nhọc vắn vỏi đó đã đem lại cho tôi một thời an nghỉ lâu dài". Câu ấy có nghĩa: "Đời sống của tôi ngắn ngủi nhưng tôi đã chiếm được một phần thưởng vĩ đại, một hạnh phúc trường sinh".
Rồi chính Giáo Hội cũng lên tiếng...Ngày 11-2-1914, tức ngày kỷ niệm Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện ra tại Lộ Đức, đơn xin phong thánh cho Đôminicô Saviô được chính thức chấp nhận. Thế là cuộc điều tra để phong thánh cho Saviô bắt đầu tiến hành. Sau một cuộc bất bình giữa dân Mondonicô và phái đoàn Turninô, đúng ngày 27-10-1914, hài cốt Thánh trẻ được mang về Turinô. Nơi đây, di hài của Saviô được đặt trong một quan tài làm bằng gỗ quý và trước sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục, bốn vị linh mục khiêng quan tài đó vào đền thờ Đức Mẹ bang trợ do cha Don Boscô xây cất. Trong đền thờ, người ta đã dựng sẵn một đài kỷ niệm huy hoàng rực rỡ. Trên cao là một bức chân dung Đôminicô Saviô đứng trước cha Don Boscô, đang ngước mắt lên trời. Phía dưới là ngôi mồ bằng cẩm thạch chứa đựng di hài Saviô.
Rồi từ đó, trên mồ Saviô muôn hoa đua nở, những cánh hoa của đoàn trẻ em dâng kính, tuy đơn sơ nhưng chứa ẩn một lòng thành kính và yêu mến.
SAVIÔ LÀM PHÉP
Chữa em Albinô Sabatinô
Tháng 3 năm 1927, hồi đó Albinô lên 7 tuổi, sinh trưởng tại làng Sianê gần thành Naples. Em mắc chứng cảm sốt: nhức đầu, đau bụng rồi sốt rét. Sau mấy ngày chạy chữa không thấy khá hơn, cha mẹ em cho đi mời bác sĩ. Bác sĩ Palmieri nghĩ rằng em bị sưng phổi. Nhưng mấy tuần lễ qua đi, cơn bệnh càng trầm trọng hơn, Albinô thường nói sảng và đôi khi em không nhận ra cha mẹ mình nữa. Bấy giờ bác sĩ lại bảo em sưng màng óc. Nguy hiểm qúa! Cha mẹ em đi mời bác sĩ khác, cũng chẳng hơn gì ông trước: "Bệnh nan y, tôi cũng đành chịu". Ông còn thêm: Có lẽ đêm nay Albinô sẽ chết. Ngồi vào bàn, bác sĩ cấp giấy mai táng. Trao tờ giấy phép cho cha mẹ em, ông còn dặn thêm: "Cấp giấy trước, mai tôi khỏi phải đến". Bác sĩ ra về.
Người ta bó tay, nhưng đây là thời giờ chờ đợi của Saviô để chứng tỏ Thiên Chúa là thầy lang cao tay nhất. Mẹ em Albinô như điên cuồng, không lo liệu cách nào khác nữa. Một người bà con có lòng tôn kính Saviô đưa cho bà hai tấm hình thánh trẻ. Bà đặt một tấm lên bàn ở đầu giường trước một ngọn đèn chầu, còn tấm kia, bà đem đặt dưới gối Albinô, rồi bắt đầu tuần 9 ngày. Ồ, lạ quá! Vừa thầm thì được mấy câu kin, con bà thấy dễ chịu. Đêm đó, bệnh sốt rét bớt dần, những cơn ho "móc ruột móc gan" cũng thưa thớt đi. Tờ mờ sáng, Albinô đã bình phục hoàn toàn! Cha mẹ em vô cùng sung sướng và tin đó lập tức được đồn đi khắp thôn làng.
Tới trưa, bác sĩ Palmien gặp cậu của Albinô, ông liền hỏi thăm bệnh trạng của Albinô. Ông cậu vui vẻ trả lời: "Thưa bác sĩ, cháu khỏi hẳn rồi" và ông thuật lại cho bác sĩ nghe đầu đuôi câu chuyện. Vẫn bán tín bán nghi, Palmieri đến thẳng nhà Albinô. Tới nhà, bác sĩ vô cùng bỡ ngỡ, vì đã không nhìn thấy một thân xác xanh còm yếu ớt nhưng bệnh nhân tí hon của ông đang nô đùa vui vẻ. Ông liền khám xét Albinô cẩn thận. Mà thật, em bé đã tái sinh! Bác sĩ xin lại giấy phép mai táng. Sau đó, người ta còn khám nghiệm Albinô hai lần nữa vào năm 1931 và 1933 nhưng tuyệt nhiên không còn vết tích của bệnh tật. Về sau, Albinô đã khôn lớn và khỏe mạnh lạ thường.
Chữa em Consolationê Adelandtô
Công việc xảy ra tại thương khẩu Barcelone trên bờ biển Địa Trung Hải. Chính ở đây, 9 năm sau phép lạ thứ nhất, Saviô đã làm phép lạ thứ hai ngầ 27-3-1936.
Thường thường, Chúa Nhật nào các nữ thiếu nhi cũng đến tụ họp nô đùa tại trụ sở Hội bảo trợ Don Boscô ở phố Sepulveda. Đang lúc chạy nhảy, chẳng may Consolationê bị ngã vật về bên trái. Em đứng dậy ngay được, nhưng thấy đau nhói đến nỗi cổ tay không cử động được. Người ta tưởng em bị sai khớp nên đưa em tới nhà ông lang "bóp dẹo". Mỗi lần cử động, Consolationê đau đớn đến nỗi chết ngất đi, dần dần cánh tay sưng múp và tím thâm lại. Vì sốt ruột quá, cha mẹ em lại đưa em tới thầy lang khác lành nghề hơn. Sau khi nắn bóp và băng bó, ông khuyên nên đi mổ vì chẳng những trẹo xương mà còn bị gãy xương.
Suốt 19 ngày chạy chữa không thấy vết thương khá hơn, rồi đêm 22 rạng ngày 23, Consolationê mơ một truyện kỳ lạ làm cho em hy vọng: Em gặp một linh mục lạ mặt bảo em rằng: "Hãy làm tuần 9 ngày kính thánh Saviô, cha đoan hứa thứ sáu tuần tới, tay con sẽ cử động như thường, con còn biết chơi dương cầm nữa. Con hãy hứa nghe lờ cha dạy". Consolationê hứa sẽ làm như cha khuyên. Sáng hôm sau, em đem câu chuyện kể lại cho nhà dòng nghe, các chị dòng đem hình các cha để em nhận mặt. Em đã nhìn thấy linh mục gặp trong giấc mộng. Đó chính là Hồng y Caglierô, một trong những học sinh đầu tiên của cha Don Boscô. Ngài đã qua đời rồi. Khi trước, ngài có nhận chức giám tu coi sóc Saviô ở Turinô, ngài còn là một nhạc sĩ nữa.
Tuần 9 ngày bắt đầu và người ta nóng lòng chờ đợi ngày thứ sáu, ngày làm phép lạ. Chiều hôm ấy, 27/3, bệnh trạng vẫn như thường, nhưng khoảng 2 giờ sáng, Consolationê thức giấc nhớ ngay tới ngày thứ sáu, em thử cử động, nhưng thấy đau hơn. Khoảng 4 giờ sáng càng đau nhói hơn nữa. Consolationê cầu xinh Thánh trẻ Saviô với một giọng khẩn khoản để Ngài chóng thực hiện điều Đức Hồng Y đã hứa. Bỗng nhiên, em cảm thấy hình như có một sức nặng vô cùng vừa rơi khỏi tay trái em. Em cử động, giơ lên giơ xuống dễ dàng như tay kia. Consolationê bật đèn lên để xem hư thực như thế nào. Ô, lạ quá! Cánh tay em em đã xẹp hẳn xuống và miệng vết thương đã kín lại.
Sáng dậy, em đi dự lễ tạ ơn Chúa nhân từ. Sau đó, em gọi điện thoại để đưa tin mừng cho các bà dòng. Ban chiều em chơi dương cầm như Đức Hồng Y đã tiên báo. Hôm ấy mới là ngày thứ năm trong tuần 9 ngày. Cả gia đình hân hoan vui sướng, hết lòng cảm tạ thánh trẻ Saviô.
Sinh ngày: 2/4/1842
Rửa tội ngày: 2/4/1842
Rước lễ lần đầu: Lễ Phục Sinh năm 1849
Vào nhà cha Don Boscô: 29/10/1854
Qua đời ngày: 9/3/1857
Phong Chân Phước: 5/3/1950
Phong Hiển Thánh: 12/6/1954
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét